Thoát vị đĩa đệm: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
3P PHARMACY
Th 6 23/02/2024
Thoát vị đĩa đệm: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Nhiều người thường nghĩ rằng thoát vị đĩa đệm chỉ xuất hiện ở người già do quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng này đang ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi. Thoái hóa đĩa đệm hay rách hoặc nứt tạo áp lực lên dây thần kinh, gây đau và hạn chế khả năng vận động. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tàn phế suốt đời ngay cả ở những người trẻ khỏe mạnh.
Thoát vị đĩa đệm là gì ?
1. Thoát vị đĩa đệm là gì ?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm ở cột sống ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, gây chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau cột sống.
Nó có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống, nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do những vị trí này chịu nhiều tác động nhất từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Thoát vị ở đĩa đệm phân thành bốn giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: đĩa đệm bắt đầu biến dạng mặc dù vẫn giữ nguyên vòng bao xơ. Người bệnh có dấu hiệu tê tay, tê chân nhưng không đau nhức, khiến hầu hết không nhận ra bệnh.
Giai đoạn 2: vòng bao xơ bắt đầu rách, nhân nhầy bắt đầu thoát ra tại vùng suy yếu của vòng bao xơ, làm cho đĩa đệm phình to. Tuy nhiên, lúc này cơn đau vẫn chưa rõ ràng.
Giai đoạn 3: vòng bao xơ rách hoàn toàn, nhân nhầy lồi ra và gây áp lực lên rễ thần kinh. Phần lớn người bệnh bắt đầu điều trị bệnh ở giai đoạn này khi đã trải qua sự hành hạ của những cơn đau.
Giai đoạn 4: đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, tình trạng chèn ép gây áp lực lên rễ thần kinh kéo dài gây ra nhiều biến chứng. Các cơn đau nhức dữ dội và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh.
2. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Có một số nguyên nhân thoát vị đĩa đệm chính có thể gặp phải, bao gồm:
Làm việc, vận động, lao động quá mức hoặc sai tư thế có thể gây tổn thương cho đĩa đệm và cột sống.
Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người gặp vấn đề này. Quá trình lão hóa làm mất nước, gây thoái hóa xơ cứng khiến đĩa đệm và cột sống dễ bị tổn thương.
Chấn thương ở vùng lưng
Các bệnh lý bẩm sinh như gù vẹo, thoái hóa cột sống
Di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, có những yếu tố nguy cơ khác như:
Cân nặng của cơ thể: thừa cân làm tăng gánh nặng lên đĩa đệm, đặc biệt ở khu vực thắt lưng.
Nghề nghiệp: các ngành nghề vận động nhiều, mang vác nặng hoặc thường xuyên sai tư thế cũng có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm.
Thừa cân làm tăng gánh nặng lên đĩa đệm, đặc biệt ở khu vực thắt lưng
3. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm
Một số dấu hiệu thoát vị đĩa đệm phổ biến bao gồm:
Đau nhức ở vùng cổ, thắt lưng và vai gáy: cơn đau có tính chất đột ngột, lan ra cổ, thắt lưng và vùng vai gáy. Đau có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
Tê bì ở tay và chân: nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép rễ thần kinh, gây đau nhức và tê bì ở vùng thắt lưng, cổ, sau đó lan rộng xuống mông, đùi, cẳng chân và gót chân. Bệnh nhân bị loạn cảm giác, cảm giác như bị kiến bò trong cơ thể.
Yếu cơ và bại liệt: xuất hiện ở giai đoạn nặng, và thường sau một khoảng thời gian dài mới phát hiện ra. Người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động, có thể dẫn đến teo cơ và bại liệt các chi, phải sử dụng xe lăn.
Cũng có trường hợp thoát vị ở đĩa đệm mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào đặc biệt. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần tới bệnh viện và tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay khi gặp những dấu hiệu sau đây:
Đau, tê bì, yếu cơ ngày càng nặng, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Són tiểu hoặc bí tiểu
Mất cảm giác ở các vùng gọi là "yên ngựa" trên cơ thể như bắp đùi trong, phía sau chân và vùng quanh hậu môn.
Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nặng nề:
Liệt nửa người hoặc toàn bộ cơ thể: khi nhân nhầy xâm nhập vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh và làm hẹp khoang sống
Hội chứng đuôi ngựa: rễ thần kinh ở vùng thắt lưng bị chèn ép khiến việc đi đại tiện trở nên mất kiểm soát
Không vận động lâu ngày làm yếu cơ, gây teo cơ, các cơ ở chi teo nhanh chóng, chân tay co lại, khả năng đi lại, vận động giảm sút.
Rối loạn cơ vòng: tổn thương ở rễ thần kinh có thể gây rối loạn cơ vòng đường tiểu, dẫn đến tình trạng bí tiểu, sau đó có thể xuất hiện đái dầm dề và rò rỉ nước tiểu thụ động.
Thoát vị đĩa đệm có thể gây biến chứng liệt nửa người
4. Cách chữa thoát vị đĩa đệm
Chữa thoát vị đĩa đệm bảo tồn tập trung vào tránh các tư thế gây đau và giúp bệnh nhân tuân thủ kế hoạch luyện tập và sử dụng thuốc để giảm triệu chứng ngay từ đầu. Trường hợp này đĩa đệm đi lệch chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
Trường hợp đã điều trị nội khoa tích cực mà bệnh lý không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ có thể xem xét lựa chọn phẫu thuật nếu liệu pháp bảo tồn không hiệu quả sau 6 tuần, đặc biệt nếu bệnh nhân gặp các vấn đề như yếu cơ, khó khăn trong việc đứng dậy, di chuyển, mất kiểm soát cơ vòng.
Một số phương pháp thay thế uống thuốc, kết hợp với uống thuốc để giảm triệu chứng đau lưng:
Kỹ thuật kéo nắn xương khớp
Châm cứu
Mát-xa
Yoga
Massage giúp giảm triệu chứng đau lưng
Ngoài ra, còn cần lưu ý đến cách chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà như sau:
Hạn chế hoạt động mạnh, thay vào đó tập trung vào nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập nhẹ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn để duy trì sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp.
Kiểm tra ngay khi có triệu chứng nặng hơn như tê liệt ở chân, đau tê ở vùng bàn tọa, khó tiểu hoặc khó đại tiện, hoặc yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân.
Tránh nằm quá nhiều, nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau đó thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đi lại để tránh cảm giác cứng khớp và yếu cơ.
Thoát vị đĩa đệm, nếu không được điều trị sẽ rất khó khôi phục lại trạng thái như ban đầu và có nguy cơ cao gây tàn phế. Do đó, cần lắng nghe cơ thể, nhận biết triệu chứng sớm và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp giúp hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Nếu Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh, vui lòng liên hệ theo số hotline 0827111618 để được tư vấn trực tiếp bởi Dược sĩ chuyên môn.
ThemeSyntaxError