Một số thông tin về tiêm vắc xin phòng covid-19
Nhà Thuốc 3P
Th 7 04/09/2021
Một số thông tin về tiêm vắc xin phòng covid-19 - Vắc xin AstraZeneca - Vắc xin Pfizer - Vắc xin Moderna - Vắc xin Sinopharm
Cùng với những biện pháp phòng, chống dịch, vắc xin là công cụ quan trọng giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Vắc xin có hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi vi rút, đặc biệt là tránh được bệnh nghiêm trọng và tử vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về hiệu quả phòng bệnh cũng như tác dụng phụ của mỗi loại vắc xin, cùng tìm hiểu những thông tin về vắc xin phòng COVID-19 sau đây.
1. Một số loại vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng hiện nay
- Vắc xin AstraZeneca: vắc xin được tiêm cho người trên 18 tuổi. Thời gian tiêm giữa 2 mũi từ 8-12 tuần. Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 76% sau 21 ngày. Sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm sẽ đạt 82%.
- Vắc xin Pfizer: vắc xin được chỉ định tiêm cho người trên 12 tuổi. Thời gian tiêm giữa 2 mũi tiêm từ 3-6 tuần. Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 52%. Sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm thì đạt 95% hiệu quả phòng bệnh.
- Vắc xin Moderna: vắc xin này được tiêm cho người trên 18 tuổi. Thời gian tiêm giữa 2 mũi từ 4-6 tuần. Sau tiêm, cơ thể bắt đầu có miễn dịch sau 14 ngày từ mũi 1. Hiệu quả đạt được là 51,8%. Khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2, hiệu quả phòng bệnh đạt 94.1%.
- Vắc xin Sinopharm: vắc xin được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Phác đồ 2 liều tiêm, khoảng cách tiêm giữa 2 liều từ 3-4 tuần. Với hiệu quả 78,2 % trong việc ngăn ngừa Covid-19. Dữ liệu để đánh giá mức độ an toàn của vắc xin với những đối tượng trên 60 tuổi chưa nhiều do chưa đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng.
2. Những lưu ý về tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin có thể gặp lên đến 60-80%. Nhưng đa số là các phản ứng nhẹ: Đau nơi tiêm, mệt mỏi, sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ…
- Các tác dụng phụ nguy hiểm là hiếm gặp: Sốc phản vệ, viêm màng ngoài tim, giảm tiểu cầu hay tán huyết…
- Có nên tiêm 2 loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau?
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, những người đã tiêm mũi một loại vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vắc xin cùng loại. Người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna được chỉ định tiêm hai mũi cùng loại. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, nếu đã tiêm mũi một là vắc xin AstraZeneca thì có thể tiêm trộn mũi hai là vắc xin Pfizer. Vắc xin AtraZeneca ưu tiên cho tuổi dưới 65, Moderna và Pfizer khuyến cáo tiêm cho cả trên 65 tuổi.
- Hiệu quả sau tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả của Cục Y tế công cộng Anh (Public Health England – PHE) đã đánh giá hiệu quả giúp giảm nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 nặng của vắc xin khi tiến hành tiêm chủng đại trà ở Anh, kết quả ghi nhận là rất tốt. Theo đó, sau khi tiêm đủ 2 liều của vắc xin Pfizer thì giảm được 96% nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 nặng đối với biến chủng Delta. Sau khi tiêm đủ 2 liều của vắc xin AstraZeneca thì giảm được 92% nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 nặng đối với biến chủng Delta.
- Hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 6-12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do COVID-19 đều là những người chưa được tiêm vắc xin.
- Đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam hiện nay, trì hoãn tiêm cho các trường hợp: có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
- Các trường hợp chống chỉ định tiêm: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Tiêm mũi hai chậm hơn khuyến cáo có giảm hiệu quả vắc xin?
- Khoảng cách giữa hai mũi vắc xin phòng COVID-19 nên theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu mũi hai chậm hơn khuyến cáo cũng không làm giảm hiệu quả của vắc xin. Cụ thể, khoảng cách giữa hai mũi vắc xin AstraZeneca là 8-12 tuần. Hai mũi vắc xin Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần. Vắc xin Pfizer là hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần. Hai mũi vắc xin Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.
- Hiện chưa có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ hay các Uỷ ban Tiêm chủng của các quốc gia về việc tiêm thêm một mũi nhắc lại (booster) sau khi hoàn tất lịch tiêm tiêu chuẩn với hai mũi vắc xin. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin và nguồn lực vắc xin còn nhiều hạn chế, vắc xin vẫn được khuyến nghị theo đúng lịch tiêm tiêu chuẩn.
- Khi miễn dịch cộng đồng chưa đạt được và để tối đa khả năng bảo vệ cơ thể khỏi biến thể Delta cũng như ngăn chặn việc lây lan virus cho người khác, người dân vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế khuyến cáo, tuân thủ 5K ở nơi công cộng, thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.
ThemeSyntaxError