Mẹo giảm kali cho người bệnh thận
Nhà thuốc 3P Pharmacy
Th 5 20/06/2024
Mẹo giảm kali cho người bệnh thận
Người bệnh thận tránh hoặc hạn chế thực phẩm giàu kali như chuối, khoai tây và ngũ cốc nguyên hạt, thay thế bằng táo, quả mọng, bông cải xanh, nước cam.
Thận có chức năng lọc chất thải, độc tố, chất lỏng dư thừa trong máu ra khỏi cơ thể. Khi thận không hoạt động bình thường, kali có thể không được đào thải đúng cách, dẫn đến độc tố và các chất dư thừa tích tụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Người bệnh thận mạn tính cần theo dõi lượng kali trong chế độ ăn uống, chỉ nạp 1.500-2.000 mg kali mỗi ngày. Torey Jones Armul, người phát ngôn quốc gia của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, chỉ ra một số quy tắc chung như sau:
Tránh thực phẩm giàu kali như khoai tây, chuối, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các sản phẩm từ cà chua.
Kiểm tra thành phần và hàm lượng của tất cả thực phẩm.
Hạn chế cà phê, Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ khuyến cáo chỉ uống một cốc mỗi ngày.
Chuối là một trong những thực phẩm giàu kali người bệnh thận mạn tính nên tránh. Ảnh: Bảo Bảo
Nhiều thực phẩm thay thế vừa bổ dưỡng vừa ít kali cho người bệnh thận như quả mọng, bí, ngô, gạo, thịt gia cầm, cá và các sản phẩm không phải sữa.
Ví dụ, thay thịt bò và khoai tây có hàm lượng kali cao bằng thịt gà và cà rốt. Một đĩa gồm 85 g thịt bò và nửa cốc khoai tây luộc chứa tới 575 mg kali. Cùng khẩu phần này thịt gà và cà rốt lại chưa tới 500 mg kali. Người bệnh cũng có thể thay cà rốt bằng súp lơ luộc, bông cải xanh hoặc măng tây.
Với cá, tránh loại có hàm lượng kali cao như cá bơn, cá ngừ, cá tuyết, cá hồng. Khẩu phần 85 g các loại cá này cung cấp khoảng 480 mg kali, trong khi cùng lượng cá ngừ đóng hộp chỉ có 200 mg kali. Cá hồi, cá tuyết, cá kiếm và cá rô chứa khoảng 300 mg mỗi khẩu phần.
Trái cây phù hợp cho người ăn ít kali là táo, quả mọng (mâm xôi, việt quất, dâu tây). Một quả táo cỡ quả bóng tennis hoặc một quả đào cỡ nhỏ hoặc vừa hay nửa cốc quả mọng chưa đến 200 mg kali. Trái cây nhiều kali cần tránh là xoài, chuối, đu đủ, lựu, mận và nho khô. Một quả chuối cỡ trung bình chứa 425 mg kali.
Rau củ có xu hướng chứa nhiều kali nhưng vẫn có nhiều lựa chọn cho người cần theo dõi lượng khoáng chất này trong cơ thể. Các loại rau ít hơn 200 mg mỗi khẩu phần bao gồm măng tây (6 ngọn), bông cải xanh (nửa cốc), cà rốt (nửa cốc nấu chín), ngô (nửa cái), bí vàng hoặc bí xanh (nửa cốc). Nên tránh khoai tây, atisô, đậu, rau cải bó xôi, củ cải và cà chua.
Thức ăn nhanh cũng có thể không tốt cho người bệnh thận. Một chiếc bánh mì kẹp phô mai có khoảng 225 đến 400 mg kali. Một suất khoai tây chiên 85 g chứa 470 mg kali.
Với đồ uống, sữa cung cấp khá nhiều kali. Một cốc sữa thường có thể chứa tới 380 mg kali, trong khi sữa chocolate là 420 mg kali. Nửa cốc nước ép cà chua hoặc rau củ có khoảng 275 mg kali. Người bệnh thận nên uống nước cam vì chỉ khoảng 240 mg.
Mì ống và cơm khá ít kali nhưng chỉ nửa cốc nước sốt cà chua hoặc cà chua xay nhuyễn ăn kèm có thể lên đến 550 mg kali.
Dù không lạm dụng kali, người bệnh thận cũng không nên thiếu khoáng chất này. Kali là chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, phục vụ chức năng của một số cơ quan bao gồm tim, thận và não. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng kali phù hợp.
Anh Ngọc
Nguồn: vnexpress.net
ThemeSyntaxError