Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày
Nhà thuốc 3P Pharmacy
Th 4 26/06/2024
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày
Bản thân bệnh ung thư dạ dày và việc điều trị ung thư khiến người bệnh mất cảm giác thèm ăn, mất năng lượng, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng tốt trong và sau khi điều trị ung thư là rất quan trọng.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư dạ dày
Chế độ dinh dưỡng tốt hỗ trợ người bệnh ung thư dạ dày chữa lành vết thương và tái tạo lại các mô bị tổn thương sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc điều trị khác; quản lý các tác dụng phụ của điều trị; cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể và khả năng chống nhiễm trùng, tăng tốc độ phục hồi sau điều trị.
Đại tá PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Thực tế cho thấy, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng với người bệnh ung thư dạ dày. Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh mang lại lợi ích như tăng cường thể lực, sức đề kháng, bổ sung năng lượng cho người bệnh để tăng khả năng chống chọi với bệnh tật, theo đuổi được các phác đồ, liệu pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu.
Chế độ ăn cho người bệnh ung thư dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh:
- Giảm thiểu được những vấn đề do phương pháp điều trị ung thư dạ dày gây ra.
- Phần nào giảm bớt khả năng phát triển của khối u, tăng tiên lượng sống cho người bệnh.
- Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giúp người bệnh nhanh phục hồi các tổn thương ở dạ dày hơn.
- Giúp người bệnh có cảm giác sống khỏe và thoải mái hơn.
- Nâng cao tinh thần, giúp bệnh nhân lạc quan, chiến đấu với bệnh tật.
2. Các dưỡng chất cần thiết với người bệnh ung thư dạ dày
2.1. Protein giúp người bệnh ung thư dạ dày tăng cường hệ thống miễn dịch
Protein giúp hình thành kháng thể, chống lại nhiễm trùng, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể nhanh hồi phục đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa, làm giảm hiện tượng tiêu chảy ở những người ung thư dạ dày. Vì thế, người bị ung thư dạ dày cần ăn các loại thực phẩm giàu protein như trứng, thịt gia cầm, tôm, cua, cá, phô mai, bơ, các loại hạt, đậu nành. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt trâu, bò do có cấu trúc phức tạp.
2.2. Nạp đủ vitamin và khoáng chất
Những người bị ung thư dạ dày thường gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Điều này có thể là do phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày hoặc do khối u lớn gây khó ăn.
Vitamin B12
Vitamin B12 rất quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu cũng như giữ cho hệ thần kinh và tiêu hóa khỏe mạnh. Nồng độ vitamin B12 thấp xảy ra sau khi cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày dễ dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu do nồng độ vitamin B12 thấp được gọi là thiếu máu ác tính. Những người đã phẫu thuật ung thư dạ dày thường được cung cấp vitamin B12 (bằng cách tiêm hoặc bổ sung bằng đường uống theo chỉ định của bác sĩ) để giúp ngăn ngừa thiếu máu.
Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư dạ dày cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bệnh nhân.
Sắt quan trọng với người bệnh phẫu thuật ung thư dạ dày
Sắt là một khoáng chất quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu. Acid trong dạ dày giúp cơ thể hấp thụ chất sắt. Khi bị phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, nồng độ sắt trong cơ thể người bệnh có thể giảm xuống. Nồng độ sắt thấp dẫn đến thiếu máu. Nồng độ sắt cũng có thể giảm nếu một phần tá tràng, nơi hấp thụ phần lớn sắt, bị cắt bỏ trong quá trình cắt dạ dày.
Canxi
Canxi là một khoáng chất quan trọng để xây dựng xương và răng chắc khỏe. Khi tá tràng được cắt bỏ bằng phẫu thuật, cơ thể sẽ hấp thụ ít canxi hơn. Sự hấp thụ canxi cũng bị giảm do hội chứng Dumping. Hội chứng Dumping là tình trạng thức ăn rời khỏi dạ dày quá nhanh. Điều này khiến thức ăn "đổ" vào ruột non mà không được tiêu hóa hết.
Người bị ung thư dạ dày có thể không nhận đủ canxi từ thức ăn. Mức canxi thấp dễ dẫn đến chứng suy nhược và loãng xương. Bác sĩ điều trị sẽ kê đơn cho bệnh nhân bổ sung canxi trong trường hợp cần thiết để điều trị lượng canxi thấp.
Folate
Folate rất quan trọng để tạo ra các tế bào hồng cầu. Mức folate thấp thường xảy ra do những người bị ung thư dạ dày gặp khó khăn trong việc ăn uống lành mạnh. Những thay đổi trong cấu trúc của dạ dày và ruột sau phẫu thuật làm thay đổi khả năng hấp thụ và tiêu hóa folate của cơ thể. Không nhận đủ folate dẫn đến thiếu máu.
2.3. Uống đủ nước
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, người bị ung thư dạ dày nên uống 8-12 ly hoặc 2 lít nước mỗi ngày. Điều này giúp ngăn tình trạng mất nước của cơ thể, khiến dạ dày hoạt động tốt hơn. Để tránh nhàm chán có thể uống nước lọc, nước ép hoa quả, rau củ. Thời điểm uống nước thích hợp nhất là buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi ăn 1 giờ.
3. Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày
Những người bị ung thư dạ dày thường chán ăn, không muốn ăn, buồn nôn, khó tiêu... Bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn và thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị. Nhìn chung, hãy cố gắng lựa chọn thực phẩm cung cấp đủ calo để duy trì cân nặng; protein giúp xây dựng lại các mô mà phương pháp điều trị ung thư gây hại; các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất cũng như cung cấp đủ chất lỏng cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tập thể dục cũng góp phần giải quyết các vấn đề về thèm ăn và tiêu hóa liên quan đến việc điều trị.
3.1. Các loại thực phẩm người bệnh ung thư dạ dày nên ăn
Chọn thực phẩm giàu protein: Protein giúp cơ thể sửa chữa các tế bào và mô. Nó cũng giúp hệ thống miễn dịch phục hồi sau bệnh tật. Mỗi bữa ăn nên bao gồm một nguồn protein dễ tiêu hóa, bao gồm cả các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ. Ví dụ, các nguồn protein nạc tốt bao gồm:
- Thịt nạc như thịt gà, cá hoặc gà tây.
- Trứng.
- Các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa, sữa chua và phô mai hoặc các sản phẩm thay thế sữa.
- Các loại hạt và bơ hạt.
- Đậu, thực phẩm từ đậu nành.
Các thực phẩm người bệnh ung thư dạ dày nên ăn.
Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nguồn carbohydrate và chất xơ tốt, giúp duy trì mức năng lượng của bạn. Các nguồn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt tốt bao gồm:
- Cháo bột yến mạch.
- Bánh mì nguyên hạt.
- Gạo lứt.
- Mì ống nguyên hạt.
Trái cây và rau quả: Trái cây và rau xanh giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, đối với người bị ung thư dạ dày mới phẫu thuật, vitamin và khoáng chất trong trái cây, rau củ còn giúp vết thương mau lành, chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài.
Người bị ung thư dạ dày nên ăn các loại trái cây, rau quả giàu vitamin A,C, E giàu chất chống oxy hóa như cà chua, cà rốt, bí đỏ, chuối, bưởi ngọt, rau xanh lá. Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc để có được lợi ích lớn nhất. Hãy đặt mục tiêu ăn tối thiểu 5 phần trái cây và rau quả mỗi ngày.
Chọn nguồn chất béo lành mạnh: Hạn chế ăn đồ chiên, rán, nhiều dầu mỡ. Nên chọn các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm:
- Dầu ô liu.
- Bơ.
- Quả hạch.
- Hạt hướng dương, hạt bí.
Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, bệnh nhân không ăn được nhiều bữa và thường cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn. Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ hoặc ăn nhẹ khoảng 6 lần một ngày. Điều này thường dễ dàng hơn việc ăn 2 - 3 bữa lớn mỗi ngày.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, BVTW QĐ108
Sau phẫu thuật dạ dày, bệnh nhân nên ăn thức ăn lỏng, ăn mềm, chia nhỏ thành nhiều bữa. Đảm bảo ăn sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, bệnh nhân thường bị chán ăn nên dễ bị thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Thành phần dinh dưỡng của thức ăn cần đảm bảo đủ đạm, vitamin và khoáng chất, chất xơ,...
3.2. Những loại thực phẩm người bệnh ung thư dạ dày cần tránh
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Chế độ ăn uống lành mạnh phải đảm bảo thực phẩm tươi, sạch, không có hóa chất, không có chất bảo quản. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn quá nhiều dầu mỡ, hạn chế đồ muối. Hạn chế trà đặc, cà phê gây tăng tiết cho dạ dày.
Tránh uống nước trong bữa ăn, đặc biệt là đồ uống có gas. Những chất lỏng này thường lấp đầy dạ dày một cách nhanh chóng. Uống chất lỏng có hàm lượng calo cao hoặc protein cao giữa các bữa ăn.
Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất xơ chẳng hạn như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, vì chúng có xu hướng khiến bạn cảm thấy no sớm hơn các thực phẩm khác. Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, người bị ung thư dạ dày nên ăn các loại thực phẩm ít chất xơ, khoảng 6-10g/ ngày và không ăn cùng một lúc. Khi dạ dày đã bị tổn thương, nếu ăn quá nhiều chất xơ sẽ gây đầy bụng, khó chịu và bị tiêu chảy. Người bệnh nên ăn các loại ngũ cốc vì chúng không chỉ ít chất xơ mà còn có thể giảm dịch vị của dạ dày.
Hạn chế đồ ngọt và đường bổ sung: Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung như món tráng miệng và đồ ngọt mang lại ít lợi ích dinh dưỡng và làm chậm quá trình chữa lành. Hãy thay thế bằng các thực phẩm khác tốt hơn cho sức khỏe.
Tránh uống rượu, caffeine, đồ uống có gas và thức ăn cay, vì chúng gây kích ứng dạ dày, khó tiêu hóa, làm cho triệu chứng dạ dày trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Đặc biệt, người bệnh ung thư dạ dày nên thận trọng với các sản phẩm sữa sau phẫu thuật. Phẫu thuật cắt dạ dày có thể gây ra tình trạng không dung nạp lactose. Nên tránh các sản phẩm từ sữa như sữa, súp kem, kem, sữa chua và phô mai. Nếu muốn ăn những loại này, nên đưa sữa trở lại thực đơn một cách từ từ để xem cơ thể xử lý nó như thế nào sau phẫu thuật.
Giảm cân là một vấn đề phổ biến đối với những người bị ung thư dạ dày. Điều quan trọng là phải duy trì cân nặng ngay cả khi khẩu vị đã thay đổi. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật và đối phó với những ảnh hưởng của việc điều trị ung thư dạ dày. Nên trữ sẵn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng có nhiều chất đạm và calo, cũng như đồ ăn nhẹ nhanh chóng và dễ dàng để sẵn sàng ăn khi cần.
*Lưu ý: Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh cũng như phương pháp điều trị của cá nhân. |
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-ung-thu-da-day-169240530151933535.htm
Theo Thiên Châu (Sức khỏe đời sống)
ThemeSyntaxError